Nhận xét Thơ Thầy Thông Chánh

  • Nhà nghiên cứu Trần Dũng:
...Từ chỗ vì chén cơm manh áo mang thân ra làm việc cho Tây một cách mẫn cán và trung thành nhưng vẫn bị họ ức hiếp, toan phá hoại gia cang nên thầy Thông Chánh, sau nhiều lần nhẫn nhịn, đã ra tay giết chết kẻ thù. Hành động của thầy rõ ràng xuất phát từ sự ghen tuông, từ động cơ cá nhân, không hề mang hơi hám chính trị (và chưa bao giờ vụ án này được xem là án chính trị). Nhưng dẫu sao, ở vào bối cảnh nhiễu nhương lúc ấy, trong lúc nhiều người sẵn sàng quỳ gối dâng vợ con mình cho Tây hòng tìm chút đỉnh chung phú quý, thì phát súng của thầy Thông Chánh nhằm bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ đạo lý truyền thống dân tộc, ngẫm ra cũng đáng quý lắm thay!Từ sự kiện đơn giản ấy, tác giả – một người Trà Vinh bình dân nào đó – đã sáng tác truyện thơ Thầy Thông Chánh. Bằng những thủ pháp nghệ thuật đáng khâm phục, tác giả đã hướng phát súng của thầy Thông Chánh vào tận thành trì của chế độ thực dân xâm lược và sự ươn hèn của triều đình phong kiến, đồng thời khẳng khái biểu thị thái độ yêu nước thương nòi mãnh liệt của mình. Chính những giá trị đó đã đáp ứng được nỗi lòng của giới quần chúng bình dân trước cơn quốc phá gia vong nên họ chắt chiu gìn giữ rồi lưu truyền cho các thế hệ con cháu, mặc cho sự cấm đoán gay gắt của chế độ thực dân...[3]
  • Nhà văn Sơn Nam:
Đây chỉ là chuyện bắn ghen. Nhưng người đặt thơ xem việc thầy Thông Chánh bắn người Lang Sa (Pháp) như là phục vụ cho nghĩa lớn, giết bọn xâm lăng, và đã làm cho thầy trở thành huyền thoại vì sự can đảm của thầy. Chính vì vậy, thầy Thông Chánh và Sáu Trọng (trong truyện thơ Sáu Trọng) là hai anh hùng cá nhân, được người đời nhắc nhở đến mức thực dân Pháp hoảng sợ, cấm lưu hành hai áng thơ bình dân ấy. Tuy nhiên, hai quyển thơ đã được nhóm độc huyền nói thơ phổ biến nơi cộng cộng, người không biết chữ cũng thuộc lòng vài đoạn...[4]